Sau quá trình học hỏi từ các địa phương và các chuyên gia khởi nghiệp trên cả nước cùng với sự nỗ lực kết nối không ngừng, đến nay hệ sinh thái khởi nghiệp tỉnh Khánh Hòa đã dần hình thành và xuất hiện những nhân tố đóng vai trò dẫn dắt.
I. Hệ thống các trường đại học
1. Trường Đại học Nha Trang
- Là một trong những trường Đại học lâu đời tại Miền Trung. Xuất phát là một trong những cơ sở đào tạo uy tín, chất lượng cho các chuyên ngành về thủy sản. Đại học Nha Trang là một trong những nơi đào tạo, cung cấp lao động cho các tỉnh Miền Trung, Tây Nguyên cũng như cả nước.
- Đại học Nha Trang với khuôn viên rộng 24 héc ta, tọa lạc tại một trong những vị trí đẹp nhất bên bờ vịnh Nha Trang, là một địa chỉ văn hóa, khoa học trọng điểm của thành phố Nha Trang và tỉnh Khánh Hòa. Trường Đại học Nha Trang hiện có 14 khoa, viện đào tạo; 4 viện và trung tâm nghiên cứu - chuyển giao công nghệ và 14 đơn vị quản lý, phục vụ đào tạo. Nhà trường hiện đang đào tạo 5 ngành trình độ tiến sĩ, 8 ngành trình độ thạc sĩ, 25 ngành trình độ đại học và 10 ngành trình độ cao đẳng. Lưu lượng người học thường xuyên của Trường: gần 100 nghiên cứu sinh, trên 1.100 học viên cao học, hơn 13.000 sinh viên chính quy tại Nha Trang và trên 10.000 sinh viên hệ vừa làm vừa học tại 18 cơ sở liên kết trên cả nước.
- Đội ngũ cán bộ giảng dạy cơ hữu Trường Đại học Nha Trang hiện có 500 người với 20 GS, PGS; trên 100 tiến sĩ và 300 thạc sĩ. Trên 60% trình độ tiến sĩ đã được đào tạo tại các nước phát triển (Mỹ, Nhật, Pháp, Nga, Na Uy, Úc, Hàn Quốc…) và trên 50% trình độ thạc sĩ được đào tạo ở nước ngoài.
2. Trường Đại học Khánh Hòa
- Được thành lập trên cơ sở Trường Cao đẳng Sư phạm Nha Trang và Trường Cao đẳng Văn hóa Nghệ thuật Khánh Hòa.
- Thế mạnh của Đại học Khánh Hòa ở điểm khởi đầu là các ngành du lịch, nghệ thuật và khoa học cơ bản, khoa học xã hội, nhân văn. Bên cạnh đó cũng có một số khoa tự nhiên với một số giảng viên trẻ là nòng cốt để phát triển các ngành khoa học tự nhiên trong tương lai.
3. Nhóm các trường kỹ thuật quân sự trên địa bàn tỉnh
- Học viện Hải quân và Trường Đại học Thông tin Liên lạc.
- Học viện Hải Quân được thành lập từ năm 1955 có thế mạnh trong các ngành kỹ thuật, công nghệ ứng dụng trên biển.
- Đại học Thông tin liên lạc được thành lập từ năm 1951, có thế mạnh đào tạo các ngành điện tử viễn thông, kỹ thuật thông tin ứng dụng trong quân sự và đang phát triển phục vụ dân sự.
- Kinh nghiệm trên thế giới cho thấy các công nghệ tiên tiến đầu tiên thường được phát triển để phục vụ trong quân sự và quốc phòng sau đó mở rộng ứng dụng trong phát triển kinh tế - xã hội sẽ mang lại hiệu quả rất lớn.
II. Hệ thống các tổ chức nghiên cứu và phát triển
Nếu xét theo lĩnh vực khoa học hoạt động, trong số 41 tổ chức KHCN trên địa bàn tỉnh vào năm 2020, lĩnh vực Khoa học kỹ thuật công nghệ có số tổ chức nhiều nhất (13 tổ chức), lĩnh vực Khoa học tự nhiên có số tổ chức ít nhất (1 tổ chức), lĩnh vực Khoa học nông nghiệp và Khoa học xã hội có số tổ chức bằng nhau (9 tổ chức), còn lại số tổ chức trong lĩnh vực Khoa học y dược và Khoa học nhân văn lần lượt là 6 và 3 tổ chức. Mức độ tham gia của khối Nhà nước vào các lĩnh vực KHCN chiếm tỷ lệ lớn, với 68,29% số tổ chức nghiên cứu KHCN, trong khi khối ngoài Nhà nước chỉ chiếm 31,7%.
So sánh với các địa phương khác trong vùng Bắc Trung bộ và Duyên hải miền Trung, số tổ chức KHCN của Khánh Hòa tương đối lớn. Tính đến năm 2020, số tổ chức KHCN của Khánh Hòa là 41 tổ chức, chỉ sau Nghệ An (62 tổ chức) và Đà Nẵng (47 tổ chức).
Một số đơn vị nghiên cứu nổi bật trên địa bàn bao gồm: Viện Pasteur Nha Trang, Viện Vacxin và Sinh phẩm y tế, Viện Hải Dương học, Viện Nghiên cứu nuôi trồng thủy sản III, Viện Nghiên cứu & Ứng dụng Công nghệ Nha Trang.
1. Viện Vắc xin và sinh phẩm y tế
- Viện Vắc xin và Sinh phẩm Y tế (IVAC) được thành lập từ năm 1978, là đơn vị trực thuộc Bộ Y tế. Ngày nay Viện có trụ sở chính ở Nha Trang và Trại Chăn nuôi Suối Dầu, với chức năng nhiệm vụ: Nghiên cứu, sản xuất, kinh doanh và dịch vụ tư vấn về vắcxin và sinh phẩm y tế.
- Trải qua chặng đường 35 năm xây dựng và trưởng thành, Viện Vắc xin và Sinh phẩm Y tế đã đóng góp những thành quả to lớn trong việc thực hiện chủ trương “tự chủ sản xuất vắc xin trong nước”. Kể từ những năm 1990 đến nay, Viện đã cung cấp cho Chương trình Tiêm chủng mở rộng quốc gia hơn 250 triệu liều vắc xin DTP, BCG, VAT và cung cấp nhiều loại huyết thanh và các sinh phẩm thiết yếu khác như: SAT, SAD, SAR, Superferon, Im.BCG trị liệu khối u bàng quang, huyết thanh kháng nọc rắn Hổ mang và rắn Lục tre.
- Viện đã làm chủ một cơ sở chăn nuôi động vật thí nghiệm rộng lớn, có các công nghệ nguồn quan trọng với trang thiết bị hiện đại như: công nghệ lên men; Công nghệ đông khô vắc xin và chế phẩm sinh học; công nghệ tinh chế kháng nguyên, kháng thể; công nghệ khai thác huyết thanh ngựa - plasmaphereris; công nghệ đóng ống vắcxin; công nghệ sản xuất vắcxin cúm trên trứng gà có phôi và các kỹ thuật vi sinh, hóa - miễn dịch, nuôi cấy tế bào dùng trong kiểm định chất lượng sản phẩm.
- Hợp tác quốc tế và nghiên cứu khoa học là điểm sáng trong bước đường phát triển của Viện Vắc xin và Sinh phẩm y tế. Hầu hết các công trình nghiên cứu khoa học và hợp tác quốc tế đều cho ra đời các sản phẩm hữu ích cho xã hội và phát triển công nghệ. Từ đó, thương hiệu IVAC ngày càng có uy tín trong nước và quốc tế.
- Đến nay, Bộ Y tế đã cấp cho Viện 10 chứng nhận GMP-WHO, bao gồm: 8 sản phẩm và 2 dây chuyền sản xuất.
2. Viện Pasteur Nha Trang
- Được thành lập từ 1895, là Viện Pasteur thứ 3 được xây dựng trên thế giới (Sau Viện Pasteur Paris và Viện Pasteur Thành phố Hồ Chí Minh) nằm trong hệ thống 34 viện Pasteur trên toàn thế giới.
- Viện Pasteur Nha Trang là đơn vị sự nghiệp trực thuộc Bộ Y tế, có chức năng, nhiệm vụ: Nghiên cứu khoa học vệ sinh, dịch tễ, phòng chống dịch bệnh, chỉ đạo chuyên môn tuyến trước, hợp tác quốc tế, đào tạo và đào tạo lại cho cán bộ chuyên ngành y tế dự phòng; đề xuất với Bộ Y tế các biện pháp phòng chống dịch bệnh phù hợp với điều kiện phát triển kinh tế, xã hội của 11 tỉnh miền Trung từ Quảng Bình đến Bình Thuận.
- Viện Pasteur có thế mạnh trong các lĩnh vực nghiên cứu và cung cấp dịch vụ: Xét nghiệm, phòng chống dịch, an toàn sinh học, virus, vi khuẩn, vệ sinh an toàn thực phẩm. Viện có 01 labo đạt chuẩn ISO 15189, 01 labo đạt chuẩn ISO 17025 và đang xây dựng phòng thử nghiệm hiệu chuẩn thiết bị đạt chuẩn ISO 17025. Viện đã góp phần cùng với ngành y tế cả nước đạt được nhiều thành tựu trong công cuộc chăm sóc sức khỏe nhân dân.
3. Viện Hải Dương học
- Viện Hải Dương học được thành lập từ năm 1922. Trải qua hơn 90 năm hoạt động và phát triển Viện Hải Dương học đã đóng góp một khối lượng lớn các công trình nghiên cứu cho công cuộc chinh phục khai thác và bảo vệ biển Đông với hơn 1100 ấn phẩm được công bố và ứng dụng. Trong đó ghiên cứu về tính đa dạng sinh học chiếm 62,6%, về vật lý hải dương chiếm 11,6%, về sinh thái môi trường chiếm 7,6%, về địa chất địa mạo biển chiếm 5,4%, về hóa học biển và về hóa sinh chiếm 4,4%. Qua đó, có thể thấy được Viện Hải Dương Học đã góp phần vào việc thực hiện các mục tiêu khoa học của đất nước.
- Đối với Khánh Hòa, qua những công trình nghiên cứu liên quan đến hải dương đã đóng góp những cơ sở khoa học quan trọng giúp khai thác bền vững các tài nguyên biển.
4. Viện Nghiên cứu Nuôi trồng Thủy sản 3
- Được thành lập từ năm 1984, thuộc Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn.
- Qua hơn 30 năm hoạt động, xây dựng và phát triển, đến nay cơ cấu tổ chức bộ máy của Viện mở rộng (gồm 4 Trung tâm và 7 phòng chức năng), số lượng cán bộ, công chức, viên chức tăng (177 người với 9 Tiến sỹ; 39 Thạc sỹ; 87 đại học, cao đẳng và 14 trung cấp chuyên nghiệp.
- Viện Nghiên cứu Nuôi trồng Thủy sản 3 hiện đang làm chủ rất nhiều công nghệ nuôi trồng thủy sản và chuyển giao có hiệu quả kinh tế cao ra cộng đồng, doanh nghiệp. Viện Nghiên cứu Nuôi trồng Thủy sản 3 có những đóng góp to lớn cho ngành nuôi trồng thủy sản của Khánh Hòa qua việc chuyển giao các công nghệ mới, cung cấp giống cho người nuôi và doanh nghiệp tại địa phương.
5. Viện Nghiên cứu và Ứng dụng Công nghệ Nha Trang
- Được thành lập từ năm 1983, thuộc Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam.
- Các lĩnh vực nghiên cứu, phát triển công nghệ và ứng dụng chính gồm: Công nghệ sinh học biển, công nghệ vật liệu (Đặc biệt, công nghệ chống ăn mòn và công nghệ điện hóa), vật liệu hữu cơ từ tài nguyên biển và vật lý ứng dụng.
- Viện Nghiên cứu và Ứng dụng Công nghệ Nha Trang đang tích cực đẩy mạnh thương mại hóa các kết quả nghiên cứu.
6. Phân viện Thú y Miền Trung
- Được thành lập từ năm 1977, trực thuộc Viện Thú ý.
- Nhiệm vụ chính của Phân viện là Nghiên cứu khoa học phục vụ công tác phòng chống dịch bệnh động vật nuôi, các loài thủy sản tại các tỉnh miền Trung và Tây Nguyên.
- Cho đến nay, nhiều kết quả của các công trình nghiên cứu của Phân viện đã được trình bày tại các hội thảo khoa học trong nước và được đăng tải trên các tạp chí khoa học chuyên ngành trong và ngoài nước. Đã có 12 sản phẩm vắc-xin của Phân viện đạt Cúp vàng Nông nghiệp Việt Nam qua các kỳ Hội chợ quốc tế ngành nông nghiệp được tổ chức tại Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh. Các sản phẩm do Phân viện sản xuất đã có mặt trên hầu hết các tỉnh thành trong cả nước đưa doanh thu năm sau cao hơn năm trước, mức tăng đạt trên 15% mỗi năm.
7. Trung tâm Nông nghiệp Công nghệ cao
- Được thành lập từ năm 2004. Trực thuộc Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn.
- Nhân lực tổng 44 người, trong đó có 13 bên chế và 31 lao động hợp đồng, thời vụ. Diện tích đất sử dụng: 65,8 ha.
- Các công nghệ Trung tâm Nông nghiệp Công nghệ cao đang ứng dụng: Sản xuất các giống lúa chất lượng cao, phù hợp với điều kiện Khánh Hòa; Sản xuất hoa lan, thế mạnh là lan Mokara; Sản xuất và cung cấp giống heo; sản xuất và cung cấp giống xoài.
- Sau 10 năm được đầu tư, phát triển Trung tâm Nông nghiệp Công nghệ cao đã có kết quả nhất định. Là một trong những cơ sở đầu tiên của tỉnh sản xuất các giống cây trồng chất lượng cao và cung cấp ra thị trường. Doanh thu năm 2015 hơn 10 tỷ đồng. Tuy nhiên, các công nghệ nghiên cứu ứng dụng chủ yếu ở mức cơ bản. Các công nghệ mới nhất trong lĩnh vực nông nghiệp chưa được nghiên cứu triển khai tại trung tâm.
8. Trung tâm Ứng dụng tiến bộ Khoa học và Công nghệ Khánh Hòa
- Được thành lập 2013 trực thuộc Sở Khoa học và Công nghệ.
- Số lượng nhân lực: 16.
- Sau 10 năm thành lập và đi vào hoạt động Trung tâm Ứng dụng Tiến bộ Khoa học và Công nghệ đang triển khai một số công nghệ nuôi biển và ứng dụng các kỹ thuật mới trong canh tác nông nghiệp đồng thời hỗ trợ các nhà sáng chế không chuyên hoàn thiện các sản phẩm nông cụ.
- Ngoài nhiệm vụ ứng dụng phát triển công nghệ phục vụ cộng đồng, Sở Khoa học và Công nghệ định hướng phát triển Trung tâm Ứng dụng thành một trng những địa điểm ươm tạo doanh nghiệp khoa học và công nghệ.
III. Các cơ sở ươm tạo/thúc đẩy kinh doanh
Cơ sở ươm tạo là thành tố quan trọng của hệ sinh thái. Sở Khoa học và Công nghệ Khánh Hòa đang xúc tiến để hoàn thiện quy trình ươm tạo và Thành lập trung tâm hỗ trợ khởi nghiệp ĐMST tỉnh Khánh Hòa thành cơ sở ươm tạo đầu tiên của tỉnh.
Quy trình ươm tạo sẽ được thiết kế ở mức độ cơ bản nhất có thể để phù hợp vơi các dự án khởi nghiệp sơ khai trên địa bàn tỉnh.
IV. Các nhà đầu tư thiên thần
Sở Khoa học và Công nghệ Khánh Hòa đang tập hợp nguồn lực và tham vấn để kêu gọi các nhà đàu tư thiên thần. Đồng thời, kết nối các quỹ đầu tư mạo hiểm trên toàn quốc để hướng đến các dự án đầu tư tiềm năng tại Khánh Hòa.
V. Các công ty đại chúng
- Công ty đại chúng là một cấu thành quan trọng của hệ sinh thái khởi ngihệp ĐMST, là các chủ thể đầu tư cho các doanh ngihệp khởi nghiệp đồng thời, là chủ thể theo dõi để mua bán, sáp nhập các doanh nghiệp khởi nghiệp tiềm năng có liên quan đến hệ sinh thái của các công ty đại chúng.
- Các công ty đại chúng cúng sẽ phản ánh trình độ phát triển kinh doanh của doanh ngihệp tại địa phương. Hiện nay, một số công ty đại chúng trên địa bàn tỉnh chủ yếu hoạt động trong lĩnh vực đồ uống, thực phẩm.
VI. Tổ chức cung cấp dịch vụ
- Tỉnh đoàn Khánh Hòa cung cấp Không gian hỗ trợ khởi nghiệp và trưng bày sản phẩm khởi nghiệp dành cho thanh niên tại số 06 Hoàng Hoa Thám, thành phố Nha Trang.
- Trung tâm Công nghệ thông tin và Ngoại ngữ thuộc Đại học thông tin Liên lạc cung cấp không gian làm việc chung tại số 75 đường Hai Tháng Tư, phường Vĩnh Hải, thành phố Nha Trang.
- Stockholm Co - working Space & Bistro tại 44 Ly Tự Trọng, thành phố Nha Trang
VII. Chuyên gia hỗ trợ
Hệ sinh thái tỉnh Khánh Hòa hiện nay tập hợp hơn 30 chuyên gia sẵn sàng hỗ trợ, tư vấn, huấn luyện các nhóm khởi nghiệp cũng như hoàn thiện các dự án đầu tư trong nhiều lĩnh vực và nội dung, giai đoạn ươm tạo khác nhau.
VII. Chính sách hỗ trợ khởi nghiệp
IX. Các quỹ đầu tư mạo hiểm
Sở Khoa học và Công nghệ Khánh Hòa đang tham vấn để thành lập quỹ đầu tư mạo hiểm tại địa phương dưới sự tham gia của các tổ chức, cá nhân ngoài ngân sách nhà nước để sẵn sàng hỗ trợ cho các dự án khởi nghiệp trên địa bàn tỉnh trong giai đoạn đầu của quá trình ươm tạo.